Phòng ngừa suy dinh dưỡng ở người cao tuổi

 09/04/2017

Hỏi: Người cao tuổi suy dinh dưỡng thường để lại hậu quả gì? (Ông Dương Tuấn Đ.)

Trả lời: 

Một người lớn tuổi có cân nặng giảm ngoài ý muốn 5 - 10% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 tháng đến 1 năm, biểu hiện quần áo bị rộng, lỏng dần, da khô, xanh xao, tóc giòn dễ rụng, môi miệng hay bị viêm loét, hay bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, tính tình thay đổi, vận động chậm chạp hơn... chúng ta cần cẩn thận bệnh lý suy dinh dưỡng do thiếu dưỡng chất. Suy dinh dưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người cao tuổi, cả thể xác và tâm thần đều bị tổn thương.

- Các cơ quan như tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, hô hấp, nội tiết, chức năng nhận thức, thần kinh, đã giảm khả năng hoạt động nay suy yếu nhiều hơn, quá trình lão hóa sẽ diễn ra nhanh hơn.

- Dễ dàng mắc các chứng bệnh truyền nhiễm do hệ miễn dịch suy yếu.

- Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây, hoặc nếu đã bị bệnh sẽ có nhiều biến chứng không lường được.

- Nếu cơ thể đang bị tổn thương, vết thương sẽ lâu lành, giảm tác dụng của thuốc, tăng nguy cơ nhiễm trùng

- Tăng rối loạn với các bệnh chuyển hóa.

- Tăng nguy cơ tử vong.

Các bậc cao tuổi theo thời gian cơ thể sẽ thay đổi theo hướng lão hóa dần các chức năng. Tuy nhiên nếu có chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý, lối sống tích cực có thể phòng tránh được suy dinh dưỡng, phòng tránh bệnh tật cũng như làm chậm quá trình lõa hóa.

Phát hiện và điều trị nguyên nhân suy dinh dưỡng người cao tuổi đòi hỏi sự quan tâm của các cơ quan đoàn thể và của mọi người, nhất người thân trong gia đình. (Ảnh minh họa)

Hỏi: Cách phòng ngừa suy dinh dưỡng ở người cao tuổi? (Bà Mai Thị Kim H.)

Trả lời:

- Phát hiện và điều trị nguyên nhân suy dinh dưỡng người cao tuổi đòi hỏi sự quan tâm của các cơ quan đoàn thể và của mọi người, nhất người thân trong gia đình.

  + Cần phải có nhân viên y tế theo dõi điều trị các bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Chú trọng dinh dưỡng trong công tác điều trị tại bệnh viện, và trong giai đoạn hồi phục bệnh để phòng ngừa suy dinh dưỡng cho người bệnh.

  + Đối với người già không có điều kiện kinh tế, không có người chăm sóc cần phải có sự quan tâm giúp đỡ từ các nhân viên xã hội, giới thiệu đến các cơ quan, hội, đoàn thể bảo trợ người già.

  + Bản thân và người chăm sóc nên biết một số kiến thức đúng về dinh dưỡng cho người cao tuổi để thiết kế khẩu phần phù hợp thể trạng từng người, chế biến hợp khẩu vị, dễ ăn, nhưng đầy đủ nhu cầu, cân đối các dưỡng chất.

- Lưu ý về dinh dưỡng cho người cao tuổi:

  + Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, nên ăn nhiều sáng trưa, giảm buổi chiều tối

  + Nên tránh thức ăn có nhiều mỡ béo, nước có gas, cà phê, bia rượu, thức ăn nhiều đường, nên ăn các loại rau thơm, nêm các loaị gia vị để tăng khẩu vị cho người cao tuổi.

  + Nên ăn chậm, nhai kỹ, không uống nước trước trong khi ăn, trong bữa ăn chú ý món canh, chế biến thức ăn nấu mềm, xắt nhỏ.

  + Sữa là thực phẩm rất bổ dưỡng đối với người cao tuổi, nên chọn sữa cao năng lượng, ít cholesterol, nhiều chất xơ, giàu Canxi và vitamin phù hợp sức hệ tiêu hóa người già, nhất là những cụ ăn uống kém, có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

- Quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ của người cao tuổi, phát hiện sớm tình trạng biếng ăn, tìm cách khắc phục, ngăn ngừa sớm bệnh suy dinh dưỡng cho các cụ.

- Yếu tố tâm lý, chăm sóc tinh thần rất quan trọng đối với người cao tuổi, vì cô đơn, mặc cảm bị bỏ rơi, là người thừa, dẫn đến các cụ không muốn ăn uống, ăn không ngon. Bữa cơm gia đình cùng con cháu và người thân, hoặc bữa ăn cùng bạn bè, ở các câu lạc bộ, trung tâm sinh hoạt dành cho người cao tuổi sẽ rất hữu ích.

- Thường xuyên vận động cơ thể sẽ giúp các cụ ăn uống ngon miệng hơn.

- Giữ gìn vệ sinh cơ thể, vệ sinh răng miệng, an toàn vệ sinh thực phẩm khi ăn uống, phòng bệnh lây nhiễm sẽ giúp người cao tuổi khỏe mạnh giảm nguy cơ suy dinh dưỡng.

BS CK1 Hoàng Hồ Thống Nhất - Chuyên gia tư vấn dinh dưỡng NutiFood

Cùng chuyên mục

NutiMilk
Hotline
Hotline